Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, hôn nhân là cơ sở của gia đình, là tế bào của xã hội, nó thể hiện tính chất và kết cấu của xã hội. Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước” (năm 1884), Ănghen đã nhấn mạnh:
Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, quy cho đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. [1, tr.44]
Như vậy, hôn nhân là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, phát sinh và phát triển đồng thời với tiến trình phát triển của xã hội loài người. Cùng với sự thay đổi các hình thái kinh tế – xã hội đã có nhiều hình thái hôn nhân và gia đình tồn tại và phát triển, hình thái gia đình thấp hơn bị thay thế bởi hình thái mới cao hơn:
Ở thời đại mông muội, có chế độ quần hôn; ở thời đại dã man, có chế độ hôn nhân cặp đôi; ở thời đại văn minh, có chế độ một vợ một chồng được bổ sung bằng tệ ngoại tình và nạn mại dâm. Ở giai đoạn cao của thời đại dã man, thì giữa chế độ hôn nhân cặp đôi và chế độ một vợ một chồng, có xen kẽ sự thống trị của người đàn ông đối với nữ nô lệ và chế độ nhiều vợ. [1, tr.117]
Chính vì mang tính lịch sử, quan hệ HN&GĐ phản ánh các đặc điểm, đặc trưng và có vai trò lịch sử nhất định đối với mỗi giai đoạn phát triển của xã hội. Tất cả những điều đó được thực hiện thông qua các chức năng xã hội cơ bản của gia đình: chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục và chức năng kinh tế. Việc duy trì tốt các mối quan hệ trong gia đình mà nền tảng là quan hệ hôn nhân không những góp phần mang lại những lợi ích của bản thân các thành viên trong gia đình mà còn gắn liền với lợi ích của Nhà nước, của toàn xã hội. Nhà nước luôn phải sử dụng pháp luật để điều chỉnh các khía cạnh của quan hệ HN&GĐ. Sự điều chỉnh này ở mỗi Nhà nước, mỗi chế độ là khác nhau. Nó có thể là sự quy định rõ ràng bằng quy phạm pháp luật hoặc thừa nhận bằng tập quán. Nhà nước đã kiểm soát được quyền tự do kết hôn của công dân bằng cách đặt ra các quy định công dân phải xác lập quan hệ vợ chồng như thế nào, tuân thủ những điều kiện, thủ tục gì. Điển hình trong các quy định đó chính là quy định về kết hôn và điều kiện kết hôn.
Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 đã quy định về chế định kết hôn nhưng không giải thích cụ thể về thuật ngữ “kết hôn”. Khắc phục điều này, Luật HN&GĐ năm 2000 đã đưa ra định nghĩa “kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” (khoản 2, Điều 8). Việc xác lập quan hệ vợ chồng phải dựa trên yếu tố tình cảm thương yêu, gắn bó giữa hai bên nam, nữ; họ mong muốn xây dựng gia đình hạnh phúc với nhau. Như vậy, bên cạnh các điều kiện về nội dung: tuổi kết hôn, đảm bảo sự tự nguyện của hai bên nam và nữ, không vi phạm điều khoản cấm kết hôn…, còn có điều kiện về hình thức kết hôn.