Nam nữ chung sống như vợ chồng là hành vi của hai bên nam nữ, tuy không phải là vợ chồng nhưng đã ăn ở với nhau và coi nhau là vợ chồng. Họ liên kết với nhau trên cơ sở tự nguyện và không đăng ký kết hôn. Qua việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận về hôn nhân, kết hôn và đăng ký kết hôn ở phần trên, chúng ta có thể khẳng định một nguyên tắc, đó là việc kết hôn chỉ có giá trị pháp lý khi hai bên nam nữ tuân thủ các quy định của pháp luật về kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ không được công nhận là vợ chồng trước pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên chung sống vẫn coi nhau là vợ chồng và mọi người xung quanh vẫn cho rằng họ là vợ chồng của nhau.
Chung sống như vợ chồng có thể được chia làm hai dạng cơ bản: chung sống như vợ chồng không trái pháp luật và chung sống như vợ chồng trái pháp luật.
Chung sống như vợ chồng không trái pháp luật: là việc nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn mặc dù có đủ điều kiện kết hôn. Có nhiều trường hợp nam, nữ thực sự muốn là vợ chồng của nhau, muốn được yêu thương, chăm sóc và thực hiện nghĩa vụ giữa vợ và chồng với nhau nhưng họ lại không đăng ký kết hôn vì nghĩ là không cần thiết. Ngoài ra, những năm gần đây nổi lên tình trạng “sống thử” của giới trẻ, hay còn có tên gọi khác là “hôn nhân thử nghiệm”. Những người này có đủ điều kiện kết hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn mà chung sống như vợ chồng với quan niệm “thử” là vợ chồng, nếu hợp nhau thì đăng ký kết hôn, không hợp thì chia tay. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận nam nữ thanh niên có đủ điều kiện kết hôn nhưng không mong muốn là vợ chồng mà chỉ chung sống với nhau nhằm thỏa mãn một số lợi ích nhất định. Những hình thức chung sống như vợ chồng như trên đã trực tiếp hay gián tiếp làm mất dần đi thuần phong mỹ tục của người Việt từ xưa tới nay.