Cưới

Nỗi lòng của chàng trai cho ngày cưới

Chuẩn bị cho một hôn lễ toàn vẹn thường mất rất nhiều thời gian và tiền của. Có ...

Chuẩn bị cho một hôn lễ toàn vẹn thường mất rất nhiều thời gian và tiền của. Có khi sự suy tính không bao giờ trọn vẹn. Chàng trai lo tiền nong, chi phí tổ chức tiệc cưới. Người con gái chắt mót dành dụm, để phụ vào những phí tổn phải có. Thường thì người con gái lo âu trước sự sắp đặt, sự tiếp xúc bàn bạc của hai họ với nhau, nên phải trao đổi ý kiến với người mình yêu dấu. Và, người con trai cũng lo âu, trấn an người tình. Tâm trạng lo âu thường có đó đã được biểu hiện qua câu ca dao:

Anh về xẻ ván cho dày,

Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang.

Thầy mẹ sang, em cũng theo sang,

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.

Chuyên tình thật là thắm thiết! Dù trở ngại như thế nào đi chăng nữa, chàng trai cũng quyết khắc phục, vì đã yêu nhiệt thành và cũng đã quyết trọn tình suốt đời với người yêu. Hai bên gia đình ở cách xa nhau bằng một con sông lớn (sông cái) mà đò dọc thì quan trên cấm lưu thông, còn đò ngang thì lại không có. Vậy thì làm sao rước cha mẹ nàng qua thăm gia đình mình để làm thân, tiến tới hôn nhân; nhất là cần phải rước cả… em về nhà chơi một chuyến để vừa giới thiệu với cha mẹ mình và cũng để tạo dịp tâm tình?

Vậy thì, chỉ còn có cách ra công sức cưa cây, xẻ ván bắc cầu để rước cha mẹ nàng sang. Quả là một kỳ công!

Câu ca dao thắm đượm tình tứ này đã cho thấy rằng từ xưa cuộc hôn nhân của gái trai Việt bao giờ cũng hội đủ những yếu tố tình và lý. Tình là sự thương cảm yêu đương của gái và trai được có cơ hội cởi mở, tự do trong khuôn khổ phép tắc của gia đình chứ không khép kín, trói buộc, ngăn trở; còn lý là bao giờ cũng có sự hiện diện của cha mẹ đôi bên trong vấn đề cố vấn hay chủ hôn.

Những nghi thức hôn lễ nên theo thứ tự nào?

Ở thôn quê, những chàng trai, cô gái từ 16 tuổi trở lên tới độ 22 hoặc 23 đi ăn đám cưới hay được mời chọn đi họ đàng trai, đàng gái. Ngoài việc khoe tài, sức vóc, vẻ đẹp, khôn lanh, giỏi giang nấu nướng hay tháo vát chạy việc giúp đỡ họ hàng nhà cưới, còn là dịp “tập huấn” cho chính mình, chuẩn bị cho cuộc hôn nhân sắp tới. Đó cũng còn là môi trường tốt để các cô cậu coi mắt, ngấp nghé với nhau. Có những người khác nữa, nữ từ 35 đến 40 tuổi, nam từ 38 đến 45, cũng đến để học kinh nghiệm. Họ học làm sui, học về lễ nghi, học về ăn nói, học về ăn mặc, nấu nướng, xếp đặt, và học về cách xử thế với đủ hạng người chung quanh.

Dường như ở thành thị ngày nay, người ta ít quan tâm đến vấn đề này.

Dẫu sao, ở thời nào thì văn hóa lễ nghi cũng được xem trọng trong xã hội, và hôn lễ vẫn được coi là quan yếu trong mọi tương quan xã hội. Nó đứng vào hàng thứ nhì trong “tứ lễ” là “quan, hôn, tang, tế” theo thời xưa. Nhưng từ khi lễ đội mũ quan được dân ta lược bỏ từ đời Lê trung hưng, hôn lễ đã trở thành hàng đầu trong gia lễ của dân tộc. Nó là sự thể hiện cả trình độ kiến thức văn hóa, giáo dục gia đình. Không chú trọng hay coi thường hôn lễ tức là không có trình độ kiến văn, và mặc nhiên “vạch áo cho người xem lưng”… và đánh giá thấp mình.

Tôi tin rằng độc giả có thể chia sẻ cùng tôi quan niệm này: Hôn lễ của ta có phần nào đó giống với của Trung Quốc, nhưng lại có – và phần này nhiều hơn – những điểm dân tộc tính đáng nêu cao. Việc giống nhau với Trung Quốc rõ ràng là do nơi ảnh hưởng tinh thần Nho giáo, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp. Và những điểm dân tộc tính là hôn lễ của ta có tính cách xã hội, chẳng hạn như về nghi lễ, cách ăn mặc, tổ chức tiệc cưới, mối tương quan tình yêu rộng mở của gái và trai v.v…

 

You may like