Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện còn mang tính nguyên tắc chung, cô đọng. Các quan điểm về hôn nhân trái pháp luật và biện pháp xử lí còn thiếu cụ thể nên khó thực hiện trong thực tế. Qua thực tiễn xét xử của Tòa án cho thấy, việc xác định những căn cứ để đánh giá hôn nhân trái pháp luật nói chung, hôn nhân do bị cưỡng ép hoặc lừa dối nói riêng và vận dụng đường lối xử lí cụ thể đối với các trường hợp này còn gặp không ít khó khăn; nhiều vấn đề còn bất cập, mâu thuẫn do thực tế phát sinh phức tạp hơn rất nhiều so với những gì các nhà làm luật có thể dự liệu. Các hướng dẫn của ngành Tòa án trong công tác xét xử đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật còn mang tính định hướng, rất dễ bị vận dụng tùy tiện.
Cùng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáp dục pháp luật hôn nhân – gia đình cho quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng hải đảo và đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cần được quan tâm thường xuyên và lâu dài. Đồng thời cần tăng cường vai trò quản lí của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện luật hôn nhân và gia đình, đặc biệt là việc tuân thủ các điều kiện kết hôn. Cần nâng cao nghiệp vụ thẩm phán xét xử về hôn nhân và gia đình, đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm các quy định của luật hôn nhân và gia đình.