Cưới

Đàn ông là phái mạnh

        Lịch sử sinh tồn và phát triển của loài người đã ghi dấu ấn đậm nét về vai ...

        Lịch sử sinh tồn và phát triển của loài người đã ghi dấu ấn đậm nét về vai trò, vị trí của người đàn ông trong xã hội, từ thuở hồng hoang còn sống hợp quần theo kiểu bầy đàn cho đến xã hội hiện đại ngày nay. Dù cho cuộc đấu tranh bình đẳng giới đã và đang trở thành cao trào ở nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới nhưng không ai có thể phủ nhận được một điều như là chân lý của tự nhiên: đàn ông là phái mạnh. Đó là một đặc trưng mà Thượng đế đã trao cho đàn ông để phân biệt với phái nữ. Thế nên, dù ở chế độ mẫu hệ hay phụ hệ, đàn ông vẫn luôn luôn phải thể hiện tính cách của phái mạnh trong đời sống xã hội của họ.

        Thời kỳ loài người còn sống ở chế độ mẫu hệ, người phụ nữ là người cai quản tất cả mọi thứ. Đàn ông và đàn bà sống quần hôn nên những đứa trẻ chỉ biết đến “dòng dõi” của người mẹ mà không hề biết cha của mình là ai. Dù quyền chỉ huy thuộc về phụ nữ nhưng đàn ông trong chế độ mẫu hệ vẫn luôn thể hiện sức mạnh và tính cách của phái mạnh. Họ chính là những người đi tìm kiếm thức ăn, săn bắn, hái lượm để đảm bảo sự sinh tồn cho thị tộc, cho bộ lạc của mình. Thượng đế đã cho họ sức vóc mạnh mẽ để làm công việc đó.

        Trong chế độ phụ hệ, người đàn ông thể hiện vai trò là phái mạnh rõ nhất ở việc họ thống trị, cai quản xã hội, xây dựng một thứ uy quyền mang tính cá biệt cho nam giới. Trong xã hội đó, người đàn ông có những đặc quyền mà phụ nữ không bao giờ được phép mơ tưởng tới. Hẳn là chế độ phụ quyền đã trở thành một điều kiện thích hợp để người đàn ông thổi phồng sức mạnh tự nhiên của họ theo cách mà họ muốn, thậm chí đến mức cực đoan. Một khi người đàn ông đã phô trương sức mạnh của họ thông qua việc thống trị xã hội (trong đó đương nhiên có việc thống trị đàn bà), thói gia trưởng của đàn ông ra đời. Điều này thể hiện rõ hơn cả ở các nước thuộc phương Đông. Như chúng ta đã biết, có những thứ quyền lực phi lý do đàn ông tạo ra bằng thứ sức mạnh được “thổi phồng” lên của họ vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, không phải như là một thứ chứng tích hay di tích mà là một sự thực sống động. Người phụ nữ theo đạo Hồi luôn luôn phải che mặt bởi họ chỉ thuộc về người đàn ông duy nhất là chồng của họ. Từ xa xưa là thế và đến bây giờ vẫn là như thế, như thể đó là điều tự nhiên nhất mà những nguời phụ nữ theo đạo Hồi được biết. Đó là một minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của đàn ông.

        Ở Trung Quốc và Việt Nam từ bao đời nay, người phụ nữ đã phải tuân thủ rất nghiêm ngặt cái gọi là “Tam tòng, tứ đức”. Có thể gọi nguyên tắc: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) là một trong những ràng buộc của chế độ phong kiến còn sót lại. Trong xã hội phong kiến, khi người đàn ông chiếm hoàn toàn mọi ưu thế trong xã hội, vị thế của người phụ nữ lại càng bị rẻ rúng. Và khi vị trí độc tôn của người đàn ông càng cao thì sự nô dịch của đàn ông đối với phụ nữ càng lớn. Trong gia đình, người vợ chỉ là cái bóng của người chồng, luôn luôn phải đứng trong xó bếp và chỉ có một vai trò duy nhất là vai trò lệ thuộc vào chồng.

        Bước sang xã hội công nghiệp, xã hội công bằng và bình đẳng trên nhiều phương diện, vai trò và vị trí của nam giới và nữ giới đã có những thay đổi đáng kể. Dù phụ nữ đã được phép tham gia vào các công tác xã hội, được phép làm những công việc mà trước đây chỉ dành riêng cho nam giới nhưng ngay cả như vậy, đàn ông vẫn là phái mạnh ở một khía cạnh nào đó. Trong thực tế hiện nay, đàn ông vẫn là “phái mạnh” với mọi ý nghĩa của nó.

 

 

You may like