Quan niệm dân gian cho rằng tháng cô hồn là tháng của “ma quỷ” nên rất xấu, không thích hợp để làm việc lớn, nhất là tổ chức tiệc cưới.
Tháng 7 âm lịch hay còn biết đến với tên gọi khác là tháng cô hồn, đây được xem là thời gian cần cẩn trọng trong nhiều việc nhất trong năm vì theo quan niệm của người xứa, tháng 7 âm lịch không mang theo điềm tốt. Vì vậy, đây được xem là thời gian kiêng kỵ các việc làm như khởi công xây nhà, tổ chức tiệc cưới, làm ăn lớn,….
Tại sao không nên cưới vào tháng 7 âm lịch?
Theo dân gian thì có 4 lý do không nên tổ chức tiệc cưới vào tháng 7 âm lịch.
1. Tháng Ngâu
Tháng 7 âm lịch là tháng Ngâu, theo tích cổ vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ phải xa nhau biền biệt 365 ngày mới được gặp nhau một lần vào ngày 7/7 (âm lịch).
Ngày tương phùng nước mắt họ tuôn xuống trần gian thành những cơn mưa dầm rả rích. Chuyện tình bi thảm đẫm nước mắt này khiến người đời sau kiêng cưới hỏi vào tháng 7 âm lịch, bởi sợ cuộc hôn nhân của đôi trẻ sẽ có thể chia lìa, xa cách, không hạnh phúc.
2. Tháng Vu Lan
Người Á đông quan niệm tháng 7 âm lịch là “tháng cô hồn”, tháng Vu lan báo hiếu. Theo đạo Phật, tháng 7 âm lịch là thời gian “xá tội vong linh”, mở cửa Quỷ môn quan để các linh hồn tự do trở về dương thế đoàn tụ với người thân.
Nếu người ở cõi trần tiến hành cưới hỏi, dựng nhà, khai trương,… sẽ làm các vong hồn chú ý, vì thế rất có thể dẫn đến tình trạng những vong hồn này bám vào gia đình đó và phá phách. Vì vậy ông bà ta thường khuyên nhủ con cháu không nên tổ chức cưới hỏi vào thời gian này để tránh xui xẻo cho đôi tân nhân.
3. Tháng bão lụt
Tháng 7 là thời điểm mưa bão xuyên suốt, gây khó khăn, mệt mỏi và cản trở cho những việc đại sự như cưới hỏi khi đây là sự kiện phải tiến hành trong nhiều ngày.
4. Tháng không may mặc
Dân gian còn kiêng mua sắm, may áo cưới vì quan niệm “chỉ có ma quỷ mới có quần áo mới và được đốt quần áo trong tháng cô hồn”.
Ngày nay có nên cưới vào tháng 7 âm lịch không?
Theo quan điểm dân gian của ông cha ta là vậy nhưng xã hội càng phát triển thì những điều kiêng kị lại càng được giảm bớt để thích ứng với nhịp sống mới. Hôn nhân là việc trọng đại của cuộc đời. Những điều trên chỉ là quan niệm, chưa được kiểm chứng khoa học.
Nhiều cặp đôi theo dân gian đã chờ qua tháng 7 âm lịch mới tổ chức cưới hỏi nếu có kế hoạch lâu dài và thời gian thuận lợi. Còn đối với những cặp đôi gấp gáp về mặt thời gian hoặc có những lý do đặc biệt cần tổ chức đám cưới sớm hơn thì việc cưới vào tháng 7 âm lịch cũng chưa hẳn đã là điềm xấu. Thực tế, hạnh phúc của mỗi gia đình phụ thuộc vào tình cảm và lối sống của cặp vợ chồng chứ không hoàn toàn do những ngày hoàng đạo quyết định. Kỳ thật, ngày xấu hay ngày tốt đến do quan niệm từ xa xưa mà ra. Với đạo Phật, ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu.
Ngoài ra vì những điều kiêng kị trên mà tháng 7 âm lịch các dịch vụ liên quan tới cưới hỏi cũng vô cùng rẻ và nhiều khuyến mại cho khách hàng. Ngược lại với tình trạng chen lấn, tranh giành và phục vụ hụt hơi trong những tháng mùa cưới.
Các cô dâu chú rể nên tự chọn lựa cho bản thân có nên hay không cưới vào tháng 7 âm lịch vì điều cốt lõi trong hôn nhân chính là tình cảm của hai bên cũng như cách sống, cách đối nhân xử thế và sự hòa hợp của cặp vợ chồng. Đôi lúc “ngày lành tháng tốt” cũng không thể quyết định được cặp đôi đó sẽ chung sống với nhau như thế nào.