Cưới

Thực trạng nam nữ sống chung như vợ chồng sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 có hiệu lực

Theo Chỉ thị số 02/2003/CT-BTP ngày 14/7/2003 của Bộ trưởng Bộ tư pháp thì từ khi Luật HN&GĐ ...

Theo Chỉ thị số 02/2003/CT-BTP ngày 14/7/2003 của Bộ trưởng Bộ tư pháp thì từ khi Luật HN&GĐ năm 2000 cũng như các văn bản hướng dẫn áp dụng ra đời, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tư pháp địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như thực hiện nhiều hình thức đăng ký kết hôn phong phú như tổ chức ngày đăng ký kết hôn, đăng ký lưu động tại thôn, ấp, bản, làng… nên các địa phương đã rà soát, lập danh sách và đăng ký kết hôn cho phần lớn các trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà có đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Do vậy, số lượng các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đã được giảm một cách đáng kể.

Tuy nhiên, do số lượng các trường hợp phải đăng ký kết hôn theo mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 quá lớn, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại sự thiếu tích cực, chủ động ở một số địa phương nên trong cả nước còn không ít trường hợp đã được rà soát, lập danh sách nhưng chưa được đăng ký kết hôn.

Theo một vài số liệu thống kê: ở Lào Cai có tới 90% các cặp vợ chồng chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn, ở Điện Biên, con số của Sở Tư pháp Điện Biên đưa ra là 35.022 cặp hôn nhân thực tế, 8000 cặp không đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn, tỉ lệ không đăng ký kết hôn tính trung bình là 19%; ở Hải Phòng tính đến năm 2003 thì tỉ lệ này là 3,7% …

Việc điều tra tình trạng chung sống như vợ chồng ở mỗi tỉnh để tìm ra được một con số chính xác tỉ lệ các trường hợp chưa tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn có thể được coi là bất khả thi, bởi chỉ tới khi các bên có mâu thuẫn và yêu cầu Tòa án giải quyết thì lúc đó quan hệ chung sống như vợ chồng của họ mới thực sự được làm rõ.

Chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ mang tính quy luật của tự nhiên, đó là sự hướng tới nhau, gắn bó và liên kết giữa hai loài khác giống [1, tr.130] do đó nó đã, đang và sẽ tồn tại trong xã hội của chúng ta. Mặt khác, đây cũng là một quan hệ bị chi phối bởi các điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán…. Do đó nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải sử dụng pháp luật sao cho thật hiệu quả để hạn chế quan hệ này trong thực tế cuộc sống.

 

You may like