Cưới

Hình ảnh lễ cưới ở thôn quê miền Nam (2)

Về việc đi rước dâu ban đêm, ở miền đồng bằng sông Hậu cũng có, nhưng đây không ...

Về việc đi rước dâu ban đêm, ở miền đồng bằng sông Hậu cũng có, nhưng đây không phải là một tập tục mà là vì thời gian và phương tiện giao thông cho nên người ta phải canh giờ, canh con nước (đi ghe) cho thuận cho xuôi, để ra đi vào lúc ban đêm (thường xa từ làng này qua xã kia, đi ghe có khi từ đầu hôm tới rạng sáng mới chèo tới nơi). Ở miền Nam, sông ngòi chằng chịt, phương tiện đi lại đa phần phải dùng đến xuồng, ghe. Ngày xưa, người ta phải chèo đẩy, kéo bằng tay (cột cây vào mũi ghe, nắm dây, đi trên bờ mà kéo), nay khá hơn, có máy chạy xình xịch, thêm vui tai, lại có giăng bông kết tụi, cờ xí rợp trời xanh vàng, đỏ, thêm cả radio, cassette, vọng cổ hát nghe bùi tai, đảo ngũ cung, xàng xê cũng lả lướt không kém. Lại thêm nhạc mới bây giờ cũng “ồn ào” không kém với các nhạc điệu dồn dập, giựt gân “rumba”, “mambo”, “cha-cha-cha”, cuồng nhiệt trên sông nước.

Có một điều tôi không hiểu là do ý thích riêng hay là do coi ngày giờ, mà cách nay khoảng mười mấy năm, có một đám cưới đi rước dâu vào ngày cuối năm, sát tết. Thường thì “năm cùng, tháng mạt”, người ta hay tránh, ở thôn quê, đám cưới rình rang, rầm rộ sau vụ mùa thu hoạch. Người ta lo nuôi gia súc để sau khi bán lúa là ngả heo, ngả trầu, bò, làm gà vịt, mà cưới hỏi lia chia. Thời gian đó thường là ở vào tháng 10, 11 và tháng chạp âm lịch. Nhưng kể từ 25 tết, sau khi cúng kiến đưa ông bà xong là ngưng mọi việc cưới xin. Vậy mà một đám cưới ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải đã diễn ra vào ngày cuối cùng của năm cũ. Đò rước dâu xả hết tốc lực máy chạy về nhà đàng trai đúng… vào giờ giao thừa, pháo nổ ran trời: pháo cưới hòa lẫn pháo đón mừng năm mới. Tiệc tùng kéo dài suốt ngày mồng một tết. Đó là đám cưới ỏ nhà chú Năm Nghi, để lại một ấn tượng vừa mới mẻ, vừa lạ thường.

Nhưng, những sự việc lạ thường vẫn xảy ra ở miền Bắc, trong các tập tục cưới hỏi ngày xưa. Nhà văn Phan Kế Bính ghi lại những sự việc sau dây, có lẽ đã xảy ra vào cuối thế kỷ 19:

“Trong khi cô dâu đi đường, ăn mặc tốt đẹp, e thiên hạ quở, phải cài vài cái kim vào choàng áo, để có ai độc mồm, độc miệng thì đã có kim ấy trấn áp đi. Có nơi lại đặt hỏa lò giữa cửa cho cô dâu bước qua, cũng là ý ấy. Cũng có nơi dâu mới đến cửa, mẹ chồng cầm bình vôi tránh đi một lúc, có nơi dâu mới đến cửa, một người lấy chày cối giã một lúc, tục ấy thì ngộ quá, không hiểu ý làm sao.”

Chung quy lại thời xưa sự mê tín ăn sâu nên họ lập thành những tục lệ bại hủ khó hiểu. Ngày nay đã dần loại bỏ nhưng chung quy vẫn tồn tại một vài trường hợp. Bây giờ thì cô dâu chú rể có thể cùng ngồi bàn bạc với cha mẹ, người thân để quyết định nên chọn nơi tổ chức tiệc cưới ở đâu, chọn món ăn thực đơn tiệc cưới sao cho phù hợp với khách mời, cho mọi người đến chung vui thấy được tôn trọng, quý mến. 

 

 

You may like